Lưu Hạ là vị Hoàng đế thứ 9 của triều Tây Hán, triều đại kéo dài từ năm 206 trước Công Nguyên đến năm 25 Công Nguyên, đồng thời cũng là ông vua có thời gian tại vị ngắn ngủi nhất trong lịch sử Trung Quốc. Tổng cộng thời gian ngồi trên ngai vàng của Lưu Hạ chỉ vỏn vẹn có 27 ngày.

Lưu Hạ là cháu của Hán Vũ Đế Lưu Triệt, một ông vua được coi là có hùng tài đại lược, nổi tiếng là anh minh của triều đại Tây Hán.

Tuy nhiên, câu chuyện về sự hoang dâm vô độ của Lưu Hạ gần như là bức tranh đối nghịch và mỉa mai đối với bảng thành tích chói lọi của người ông hiền minh của mình.

Năm lên 5 tuổi, Lưu Hạ tập ấm tước phong của cha mình, được phong làm Xương Ấp Vương. Lưu Hạ có thể nói là một điển hình của những cậu ấm con nhà giàu, sống trong nhung lụa, bạc vàng nhưng thất học. Hành động của Lưu Hạ vô cùng bừa bãi và quái đản, thậm chí là hoang đường.

Thường ngày, Lưu Hạ ở nơi đất phong của mình sống cuộc sống xa xỉ, hoang dâm.

Bất kể là khi ông mình là Hán Vũ Đế băng hà hay Hán Chiêu Đế qua đời, Lưu Hạ không để ý tới, ngược lại, y vẫn như thường ngày, tổ chức săn bắn, yến tiệc, ca hát vui đùa, hưởng lạc.

Việc một kẻ vô học, chỉ thích ăn chơi, phóng đãng như Lưu Hạ có thể ngồi lên được ngai vàng của Hoàng đế là một câu chuyện hài kịch đầy sự mỉa mai.

Năm Nguyên Bình thứ nhất, tức năm 74 trước Công nguyên, Hán Chiêu Đế, mới chỉ 21 tuổi đã mắc bạo bệnh qua đời. Năm đó, Hoàng hậu Thượng Quan mới chỉ 15 tuổi, vẫn chưa kịp sinh cho Chiêu Đế người con trai nào để nối dõi.

Những phi tần khác của Chiêu Đế cũng chưa có ai sinh được con trai hay con gái. Ai sẽ là người kế thừa ngai báu trở thành vấn đề đau đầu đối với triều đình và tông thất nhà Hán.

Lúc bấy giờ, trong số những người con trai của Hán Vũ Đế, chỉ còn 1 mình Quảng Lăng Vương Lưu Tư là còn sống. Các đại thần trong triều vì thế chủ trương lập Lưu Tư lên ngôi Hoàng đế.





Hoàng đế Lưu Hạ


Tuy nhiên, Đại tướng quân, Đại tư mã Hoắc Quang không đồng ý, nói rằng Lưu Đường là kẻ quá bừa bãi, phóng túng, không phải là 1 người có thể đảm đương tốt được vai trò của 1 hoàng đế.

Sử sách chép rằng, Lưu Tư là một kẻ có sức khỏe hơn người, tay không có thể bắt được gấu, giết được thú dữ nhưng Lưu Tư lại là kẻ ham chơi, chỉ thích săn bắn và gái đẹp.

Hoắc Quang là anh em cùng cha khác mẹ với Hoắc Khư Bệnh, một vị tướng nổi tiếng triều Đông Hán. Hoàng hậu Thượng Quan chính là cháu gái bên ngoại của Hoắc Quang.

Sau khi Hán Vũ Đế băng hà, Hoắc Quang được phong làm Phụ mệnh Đại thần, phò trợ Hán Chiêu Đế. Vì thế, ý kiến của Hoắc Quang rất có trọng lượng. Gần như thời bấy giờ, mọi người đều nhìn sắc mặt của Hoắc Quang mà làm việc.

Đương lúc triều đình còn chưa thống nhất về người kế thừa ngai báu thì có người viết thư gửi cho Hoắc Quang. Bức thư nói: “Lập hoàng đế thì quan trọng là phải xem người đó có thích hợp hay không, không nhất thiết phải quá quan tâm tới tài đức của người đó. Nếu như chỉ cần 1 người phù hợp thì lập người thế hệ sau nữa là được”.

Hoắc Quang đọc xong bức thư, đưa cho Thừa tướng Dương Thưởng, xin ý kiến của các đại thần. Cuối cùng, sau khi bàn bạc, các quan đại thần đều thống nhất quyết định lập Xương Ấp Vương Lưu Hạ lên ngôi.

Hoắc Quan lấy danh nghĩa của Hoàng hậu Thượng Quan ra chiếu thư, lệnh cho quan Thiếu phủ Lạc Thành, Tổng chính Lưu Đức, Quang lộc đại phu Bính Cát đi đón Xương Ấp Vương Lưu Hạ, mời Lưu Hạ về Trường An chuẩn bị tức vị.

Lưu Hạ có thể nói là một kẻ ham chơi và phóng đãng bậc nhất thiên hạ. Khi Hán Vũ Đế chết, Lưu Hạ vẫn tổ chức tùng tùng đi săn, mở tiệc. Theo quy định lúc bấy giờ, đó là một tội chết.

Dưới trướng của Lưu Hạ có một quan Trung Úy tên là Vương Cát, nhân sự việc này hết lời can ngăn Lưu Hạ. Lưu Hạ nghe xong, tặng cho Vương Cát rượu thịt rồi hứa rằng nhất định sẽ sửa đổi.

Tuy nhiên, sau đó, mọi việc lại vẫn đâu vào đấy. Ngoài Vương Cát, Lưu Hạ còn một trung thần khác là Trung thư lệnh Cung Toại.

Cung Toại thấy Lưu Hạ suốt ngày ăn chơi, hết sức khuyên can Lưu Hạ. Lưu Hạ thấy Cung Toại suốt ngày lải nhải bên tai mình, quả là phiền phức, vì vậy, mỗi khi thấy Cung Toại đến, Lưu Hạ lại bịt tai chạy ra ngoài, vừa chạy vừa nói: “Trung thư lệnh thật là biết cách làm cho người ta phải xấu hổ”.

Sau đó, nhân một lần cao hứng, Lưu Hạ đồng ý cho Cung Toại tuyển chọn hơn 10 người học hành giỏi giang tới hầu Lưu Hạ đọc sách, giảng giải lễ nghĩa.

Tuy nhiên, chẳng được mấy ngày, Lưu Hạ lại lao vào những cuộc ăn chơi, yến ẩm, ra lệnh cho đuổi hết những người này về quê.

Khi 3 người Lạc Thành, Lưu Đức và Bính Cát không quản đường xa vạn dặm, lặn lội tìm tới Xương Ấp vào lúc nửa đêm, thì gặp đúng lúc Lưu Hạ đang trong cơn cuồng hoan.

Theo lý thường, được lên ngôi Hoàng đế là chuyện “đại hỷ”, người bình thường nhất định sẽ vội vội vàng vàng lên đường về kinh, chớp lấy cơ hội mà lên ngôi.

Tuy nhiên, Lưu Hạ thì không vội như vậy. Sáng ngày hôm sau, chần chừ yến ẩm mãi tới tận trưa, Lưu Hạ mới miễn cưỡng lên đường. Thế nhưng, ngay khi lên đường thì Lưu Hạ lại thúc hầu cận đi như ma đuổi.

Chỉ 3 canh giờ đã đi tới 135 dặm, không ít người hầu của Hạ mệt quá lăn ra chết ở dọc đường. Lưu Hạ lên đường về kinh nhưng không có sắp xếp lộ trình, cũng chẳng quan tâm tới thời gian, tự mình muốn làm thế nào thì làm như vậy, rất tùy hứng.

Những việc xảy ra trong cuộc hành trình của Lưu Hạ từ Xương Ấp về tới kinh đô Trường An cũng khiến người ta khó mà tin được.

Khi đoàn tháp tùng của Lưu Hạ đi tới vùng Tế Dương, nay là phía Đông Bắc của Lan Khảo Đông thuộc Hà Nam, Lưu Hạ nhớ tới đặc sản của vùng này, bèn phái người đi tìm con vịt mang về để mình làm đồ chơi.

Khi qua Hoằng Nông, nay là phía Bắc của Linh Bảo, Hà Nam, Lưu Hạ lại ra lệnh cho thuộc hạ đi tìm vài người đẹp vùng thôn dã, nhốt vào xe chở quần áo của mình để phục vụ mình.

Những hành động tai quái của Lưu Hạ khiến suốt dọc đường Lưu Hạ từ Xương Ấp về Trường An, người dân khắp nơi không ngớt oán hận, chửi rủa.

Khi Lưu Hạ đi tới Bá Thượng, nay là phía Đông thành Tây An, các quan phục vụ nghi lễ trong triều đình sửa soạn cho Lưu Hạ chiếc xe mà chỉ có Hoàng đế mới được sử dụng. Lưu Hạ thấy chiếc xe đẹp thì hoa chân mua tay thích chí lắm.





Cảnh ăn chơi của Lưu Hạ. (Ảnh minh họa)


Tuy nhiên, để có thể lấy lòng các quan viên triều đình, Lưu Hạ cũng không thể không kiềm chế thói phóng đãng, bừa bãi của mình được.

Vì thế, khi xe của Lưu Hạ đi tới cung Vị Ương, Lưu Hạ cho dừng xe rồi bước xuống, lớn tiếng khóc lóc vô cùng thương tâm, tỏ lòng thương tiếc đối với ông vua trẻ vừa mất.

Màn biểu diễn khóc thương đã giúp Lưu Hạ vượt qua được cuộc “phỏng vấn” của các đại thần trong triều đình, đánh động được Hoắc Quang. Hoắc Quang dẫn Lưu Hạ tới gặp Hoàng hậu Thượng Quan, sau đó Hoàng hậu ra chiếu thư phong Hạ làm Thái tử.

Tháng 6 năm đó, Lưu Hạ với thân phận của một hoàng thái tử tiếp nhận ngọc tỉ, kế thừa ngai vàng, trở thành Hoàng đế.

Người vợ góa của Chiêu Vương, Thượng Quan Hoàng hậu năm đó mới 15 tuổi cũng trở thành thái hậu trẻ tuổi nhất trong lịch sử hậu cung Trung Quốc.

Lưu Hạ dù lên ngôi Hoàng đế song vốn phóng đãng đã quen, thành ra dù đã ở ngôi chí tôn vẫn không có chút nào dáng vẻ của một Hoàng đế. Mỗi ngày, từ sáng tới tối, Lưu Hạ không những chẳng bao giờ cùng với Hoắc Quang và các đại thần bàn luận việc triều chính mà ngược lại, đem toàn bộ những thuộc hạ cũ của mình ở Xương Ấp tới Trường An phục vụ chuyện ăn chơi cho mình.

Lúc bấy giờ, khi Hoàng đế chết, cả nước phải để tang, trong thời gian để tang, trong cung không được phép ăn thịt.

Tuy nhiên, Lưu Hạ lại sai thuộc hạ lén lút ra ngoài cung mua gà, lợn mang vào hậu cung mở tiệc linh đình. Khi nhàn rỗi không có trò gì chơi, Lưu Hạ lại lén tới hậu cung của Hán Chiêu Đế cưỡng đoạt các cung nữ làm trò vui.

Một ngày, Lưu Hạ nằm mơ thấy ở bậc thềm phía Tây hoàng cung có rất nhiều phân ruồi nhặng, phía trên bị che phủ bằng ngói lợp mái nhà. Lưu Hạ hỏi thuộc hạ thân cận của mình là Cung Toại, Cung Toại nói: "Những kẻ gian nịnh bên cạnh bệ hạ rất nhiều, giống như những cục phân ruồi nhặng trong giấc mơ.

Vì thế, bệ hạ cần phải chọn lựa những người con cháu các đại thần của tiên đế để làm người hầu cận thân tín của mình. Nếu như bệ hạ không nhẫn tâm bỏ những người cũ ở Xương Ấp, vẫn cứ tiếp tục tin dùng họ thì chắc chắn sẽ mang họa.

Hy vọng bệ hạ có thể đổi họa thành phúc, đuổi toàn bộ những người hầu cận cũ của mình ở Xương Ấp ra khỏi triều đình.

Cung Toại tôi tình nguyện là người đầu tiên ra đi”
. Lưu Hạ nghe xong, không để lời của Cung Toại lọt vào tai, vẫn tiếp tục tin dùng những kẻ phục vụ mình ăn chơi từ khi còn ở Xương Ấp.

Vì vậy, chẳng mấy ngày sau khi lên ngôi, toàn bộ hoàng cung bị Lưu Hạ làm cho rối tung.

Sách Hán Thư có đoạn chép: “Lưu Hạ chỉ giữ ngọc tỉ 27 ngày nhưng đã làm tổng cộng 1127 chuyện hoang dâm tày đình, bình quân mỗi ngày làm 4 việc bừa bãi”.

Hoắc Quang không ngờ mình lại đưa một kẻ phóng đãng, ngu xuẩn như vậy lên ngôi Hoàng đế, vừa giận dữ vừa hối hận. Tuy nhiên, giờ đây Lưu Hạ đã là Hoàng đế, chuyện thay đổi không thể nóng vội.

Vì thế, Hoắc Quang ngấm ngầm cho gọi tâm phúc của mình là quan Đại tư nông Điền Đình Niên tới hỏi nên làm thế nào.

Điền Đình Niên nói: “Đại tướng quân cho rằng Lưu Hạ không thể làm Hoàng đế vì sao không bẩm báo Thái hậu phế truất y rồi tìm một người hiền minh hơn” Hoắc Quang đáp: “Ta cũng nghĩ tới điều này.

Tuy nhiên, chẳng biết trước đây từng có trường hợp nào như vậy chưa?” Điền Đình Niên nói: “Sao lại không có. Thời nhà Ân, có một Quốc tướng là Y Doãn đã từng phế bỏ hôn quân Thái Giáp, khiến quốc gia nhờ vậy mà trở nên giàu mạnh.

Người đời sau đều gọi Y Doãn là trung thần. Đại tướng quân nếu có thể làm như vậy, sẽ trở thành Y Doãn của triều Hán”. Hoắc Quang nghe Điền Đình Niên nói vậy liền đi tìm Xa kỵ tướng quân Trương An Thế để bàn bạc. Trương An Thế cũng đồng tình việc phế truất Lưu Hạ.

Sau khi đã thống nhất, Hoắc Quang phái Điền Đình Niên tới báo cho Thừa tướng Dương Thưởng. Dương Thương là một kẻ nhát gan, vừa nghe Hoắc Quang muốn phế bỏ Hoàng đế vừa mới lên ngôi, đã sợ có chuyện xảy ra, tay chân run lẩy bẩy.

Sau khi Điền Đình Niên ra về, vợ của Dương Thương mới nói với chồng rằng: “Đây là chuyện lớn của quốc gia.

Nếu như Đại tướng quân (chỉ Hoắc Quang) đã quyết định, lại còn phái quan Đại tư nông tới thông báo cho ông, ông mà không đồng ý, hợp lực cùng Đại tướng quân thì chẳng có kết quả tốt đâu?”

Sau đó chính vợ của Dương Thương phải ra mặt, tới gặp Điền Đình Niên nói rằng: “Mọi việc sẽ thực hiện theo sự sắp đặt của Đại tướng quân”.

Vì thế, vào ngày thứ 27 kể từ khi Lưu Hạ tức vị, Hoắc Quang cho tập hợp toàn bộ văn võ bá quan tới cung Vị Ương, cùng họ thảo luận chuyện phế bỏ Lưu Hạ.

Hoắc Quang nói: “Xương Ấp Vương ngu xuẩn, vô đạo, sợ rằng ngồi trên ngai vàng sẽ làm hại cho xã tắc. Mọi người nói nên làm thế nào?” Quần thần thấy Hoắc Quang không gọi Lưu Hạ là Hoàng đế mà lại gọi là Xương Ấp Vương, chẳng ai còn dám nói nửa lời.

Điền Đình Niên nhìn thấy thế, bèn đứng lên tuốt kiếm ra tay nói: “Tiên đế giao phó trách nhiệm phò trợ hoàng đế cho Đại tướng quân là vì sự trung hậu của Đại tướng quân có thể giúp cho thiên hạ nhà Lưu được ổn định.

Nếu như tông miếu nhà Hán bị hủy hoại trong tay của Xương Ấp Vương, Đại tướng quân sau khi chết đi liệu còn mặt mũi nào mà đi gặp tiên đế? Nay Đại tướng quân đã quyết định, quyết không dung tha cho kẻ nào chần chừ, nghi ngại, nếu ai không theo, ta sẽ dùng cây kiếm này chém đầu kẻ đó!”.

Hoắc Quang tiếp lời nói: “Tất cả trách nhiệm sẽ do ta một mình chịu”. Các đại thần nghe thấy vậy, vội quỳ xuống lạy, đồng thanh nói: “Chúng tôi nhất định sẽ nghe theo mệnh lệnh của Đại tướng quân”.

Vì thế, Hoắc Quang ra lệnh cho quan Thượng thư lệnh mang một bức tấu chương do ông ta đã soạn sẵn cho các đại thần ký tên vào.

Tiếp đó, Hoắc Quang dẫn các đại thần tới gặp Thượng Quan Thái hậu, kể lại những chuyện hoang dâm vô đạo của Lưu Hạ.

Thái hậu nghe xong ngồi xe tới cung Vị Ưởng, hạ lệnh các cửa hoàng cung không cho phép bất cứ ai là tướng thần của Xương Ấp Quốc của Lưu Hạ trước đây vào.

Nhận được lệnh của thái hậu, các thái giám đứng bên một cánh cửa, đợi khi Lưu Hạ bước vào điện Ôn Thất liền đóng chặt cửa, nhốt Lưu Hạ trong đó rồi ngăn những người thuộc hạ của Lưu Hạ ở Xương Ấp Quốc ở bên ngoài.

Lưu Hạ giận lắm đập cửa quát hỏi: “Các người làm gì thế?” Hoắc Quang đứng ở bên quỳ xuống nói: “Thái hậu có chỉ, không cho phép quần thần ở Xương Ấp Quốc được vào cung”.

Lưu Hạ nói: “Từ từ nói không được hay sao mà phải làm kinh động ta như vậy?” Hoắc Quang không nói, bước ra ngoài đuổi toàn bộ quần thần của Xương Ấp Quốc tới bên ngoài cửa Kim Mã. Trương Thế An dẫn theo quân lính đã đứng đợi sẵn ở đây, xông tới bắt sạch rồi đem nhốt vào địa lao.

Sau đó, Hoắc Quang lại sai 1 thái giám từng làm tới chức thị trung thời Hán Chiêu Đế tới hậu hạ và giám sát Lưu Hạ rồi căn dặn: “Nhất định phải canh giữ cẩn thận phòng khi Lưu Hạ bị hại hoặc tự sát. Như thế ta sẽ trở thành kẻ giết vua”.

Lúc bấy giờ, Lưu Hạ vẫn chưa biết chuyện gì, bèn hỏi những người hầu mới của mình: “Quần thần trước đây của ta phạm phải tội gì? Vì sao Đại tướng quân lại bắt họ nhốt lại như vậy?”

Mãi tới khi thái hậu hạ chỉ triệu kiến Lưu Hạ, hạ mới thực sự sợ hãi nói: “Ta phạm phải tội gì? Vì sao Thái hậu lại muốn gặp ta?” Tới lúc gặp Thái hậu, Lưu Hạ mới biết mình bị phế truất khỏi ngôi vị Hoàng đế.

Tới lúc này, Lưu Hạ vẫn chưa chịu thôi, nói: “Ta nghe nói, thiên tử chỉ cần có ở bên mình 7 vị đại thần trung thành và dám can gián thì cho dù có hoang dâm vô độ thế nào cũng sẽ không mất thiên hạ”.

Hoắc Quang nghe vậy nói: “Ngươi đã bị phế, còn dám tự xưng là thiên tử?” Nói xong ra lệnh cho người bắt Lưu Hạ, lột bỏ ngọc tỉ đeo bên mình, giao lại cho Thái hậu, rồi kéo Hạ rời khỏi điện đưa tới cung dành cho Xương Ấp Vương ở Trường An.

Lưu Hạ mới chỉ ngồi trên ngai vàng vỏn vẹn 27 ngày, đến niên hiệu cũng chưa kịp đặt đã bị phế truất. Từ Xương Ấp Quốc, Lưu Hạ mang tới Trường An hơn 200 người, ngoại trừ Vương Cát và Cung Toại còn lại toàn bộ đều bị xử chết.

Sau khi phế truất Lưu Hạ, Hoắc Quan tự mình đưa Lưu Hạ về Xương Ấp Quốc rồi nói: “Đại vương đoạn tuyệt với thiên hạ, thần cũng không còn cách nào khác. Thần có thể có lỗi với đại vương chứ không thể làm việc có lỗi với quốc gia.

Từ hôm nay trở đi, thần không thể phục vụ đại vương được nữa, mong đại vương giữ gìn!” Thế là chỉ sau 27 ngày lên ngôi Hoàng đế, Lưu Hạ lại bị đuổi về Xương Ấp Quốc. Tuy nhiên, khác với chiếc xe long trọng đón Lưu Hạ trước đây, lần này trở về, Lưu Hạ chỉ được ngồi trên 1 chiếc xe trâu.

Tới thời Tuyên Đế, Lưu Hạ được phong làm Hải Hôn Hầu, sau đó lại bị biến làm thứ dân. Năm 59 trước Công Nguyên, Lưu Hạ chết ở tuổi 30.

Sau khi phế bỏ Lưu Hạ, Hoắc Quang cho lập 1 người cháu khác của Hán Vũ Đế là Lưu Bệnh Dĩ làm hoàng đế, tức Hán Tuyên Đế.

Lưu Bệnh Dĩ là chắt gọi Hán Vũ Đế là cố nội. Vì thế, xét về vai vế Thượng Quan Thái hậu là bà của Tuyên Đế.

Do đó, Thượng Quan thái hậu, tuổi vẫn chỉ 15 một lần nữa được tôn phong làm thái Hoàng thái hậu, trở thành vị thái hoàng thái hậu trẻ nhất trong lịch sử Trung Quốc.

Trước khi tước vị, Hán Tuyên Đế sống một thời gian dài trong dân gian, vì vậy, biết được nỗi khổ của những người dân thường.

Vì thế, sau khi lên ngôi, Tuyên Đế rất cần kiệm, cai trị rất nhân từ, xã hội nhờ thế mà trở nên phồn thịnh, sử sách gọi đây là thời kỳ Trung Hưng của triều Tây Hán. Hán Tuyên Đế vì thế cũng được các sử gia rất ca ngợi.

Sự phát triển của lịch sử bao giờ cũng là kết quả của rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Người ta cho rằng, việc Lưu Hạ nhanh chóng bị phế truất, ngoại trừ việc y hoang dâm vô độ, còn có nguyên nhân từ cuộc đấu tranh chính trị.

Lưu Hạ được đưa lên làm hoàng đế hoàn toàn là dựa vào các đại thần do Hoắc Quang đứng đầu.

Việc đưa Lưu Hạ lên ngôi, đương nhiên làm nhằm mục đích bảo vệ quyền lợi cho họ.

Tuy nhiên, Lưu Hạ sau khi lên ngôi lại không giúp gì cho họ, ngược lại đem toàn bộ thuộc hạ của mình từ Xương Ấp Quốc tới Trường An tranh đoạt quyền lực với tập đoàn của Hoắc Quang.

Vì vậy, với Lưu Hạ, Hoắc Quang chỉ còn một lựa chọn duy nhất là nhân lúc y chưa kịp cài cắm những thân tín của mình vào bộ máy quyền lực ở Trường An thì phế truất Lưu Hạ.

Việc hạ lệnh phế truất Lưu Hạ bề ngoài là do Thượng Quan Thái hậu làm, tuy nhiên, Thượng Quan Thái hậu mới chỉ là cô gái 15 tuổi, lại là cháu gái của Hoắc Quang, nên quyền lực thực chất nằm trong tay Hoắc Quang.

Việc phế lập Hoàng đế, đối với Hoắc Quang thực chất là nhằm củng cố lại địa vị và quyền lực của tập đoàn mình.
Theo Phunutoday